Chi hàng chục nghìn tỷ đồng nâng cấp hạ tầng, bất động sản khu Đông TPHCM thênh thang đón sóng đầu tư.
22/10/2019 14:31
Hiện tại TPHCM đang tổ chức cuộc thi ý tưởng về quy hoạch kiến trúc để xây dựng đô thị sáng tạo dựa trên nền tảng là khu vực phía Đông TPHCM bao gồm quận 9 (có Khu công nghệ cao), quận 2 (có khu đô thị mới Thủ Thiêm) và quận Thủ Đức (có ĐH Quốc gia TP.HCM). Từ đó, TPHCM cũng đã đưa ra một lộ trình đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhiều dự án giao thông lớn mang tính đối ngoại.
Dự kiến khu đô thị sáng tạo sau khi quy hoạch sẽ có diện tích hơn 22.000ha với quy mô dân số hơn 1 triệu người, 2 khu công nghệ cao, hơn 10 khu công nghiệp/khu chế xuất (quận 9), 12 trường đại học (Thủ Đức, quận 2) kết hợp với trung tâm hành chính hiện đại (quận 2) sẽ tạo nên một "thành phố mới" bên trong TP.HCM.
Để hiện thực hoá chiến lược lớn này, chính sách phát triển hạ tầng của TP.HCM dường như đang dồn mạnh vào khu vực phía Đông, khi khu này đang dẫn đầu về các công trình giao thông trọng điểm như: mở rộng Xa lộ Hà Nội, Đại lộ Võ Văn Kiệt, hầm vượt sông Sài Gòn, đường vành đai 2, Đại lộ Phạm Văn Đồng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro số 1, Bến xe miền Đông mới,...
Ngay từ đầu năm 2019, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết đã đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn.
Trong đó, các dự án giao thông khu Đông sẽ được ưu tiên thực hiện hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm nay, bao gồm đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy - công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái.
Với nhiều công trình hạ tầng lớn tập trung, Cát Lái là khu vực thay đổi chóng mặt nhất tại Q2 bên cạnh các khu mới nổi sau này như Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Thạnh Mỹ Lợi,… Được đánh giá giàu tiềm năng phát triển, các chuyên gia dự báo khu đô thị Cát Lái sẽ có biên độ tăng giá mạnh trong thời gian tới, khi toàn bộ dự án hầm chui 3 tầng Mỹ Thuỷ, đường Đồng Văn Cống được xây dựng mở rộng và cầu Cát Lái hoàn thành, hạ tầng khơi thông, tạo nên đợt sóng về giá của khu vực này.
Bên cạnh đó, dự án xây dựng cầu bắc qua đảo Kim Cương, vốn đầu tư 500 tỷ đồng, nằm trên tuyến đường ven sông Sài Gòn đang được xây dựng giúp kết nối khu vực Thạnh Mỹ Lợi, khu Cát Lái (quận 2) với trung tâm thành phố, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn bộ vào cuối năm 2019.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4m; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 45m (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy)...
Về loại hình vận tải khối lượng lớn hiện đại, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngoài dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động dọc trục cửa ngõ phía Đông từ quận 1, Bình Thạnh đến quận 2, 9 và Thủ Đức vào năm 2021, tuyến này còn kết nối đến cả tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Đồng thời, tại khu cửa ngõ chính của TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị số 3B (Ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13 - Hiệp Bình Phước) cũng sẽ được hình thành trong tương lai.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, trong tương lai tuyến này được định hướng kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc Quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương. Dự án đã được UBND TP.HCM đăng ký danh mục sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018. Hiện UBND TP.HCM đã thông qua thiết kế cơ sở, hồ sơ ranh mốc và bàn giao cho địa phương quản lý quy hoạch.
Bên cạnh đó, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhìn nhận tốc độ phát triển dân số nhanh ở khu Đông khiến hạ tầng không đáp ứng kịp. Việc chậm triển khai các dự án cầu, đường kết nối khu Thủ Thiêm với trung tâm thành phố, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.
(theo cafef)
Dự án xem nhiều
Nhà đất - Căn hộ xem nhiều
đăng ký email của bạn
Hoặc nếu bạn chưa tìm được sản phẩm phù hợp. Hãy để lại thông tin để chúng tôi tìm giúp bạn.